1. Trộm chó bị đánh chết, Một người tử vong vì trộm chó, Dân vây xe chở kẻ trộm chó đi cấp cứu... đó là những cái tít dễ thấy khi người ta đề cập đến chuyện hậu quả với các “cẩu tặc”.
Không ít kẻ trộm chó đã bị đánh, nhẹ thì què quặt, thương tích, nặng thì mất mạng. Điển hình như ngày 10/6, một đối tượng trộm chó đã bị người dân xã Tân Thành (Yên Thành, Nghệ An) đánh trọng thương và qua đời trên đường đi cấp cứu. Một đối tượng khác cũng thương tích đầy mình.
Chúng ta có thể cảm thông với bức xúc của ai đó, khi người dân vì bất bình trước sự mất mát một vật nuôi trong nhà, nhưng tước đoạt đi quyền sống của một người thì không thể chấp nhận.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mạng người vẫn luôn được đặt ở vị trí cao nhất. Một bác sỹ cũng không có quyền từ chối một bệnh nhân trong cơn nguy kịch vì anh ta là một kẻ côn đồ máu lạnh, một người thi hành công vụ cũng không phải lúc nào cũng được trao quyền bắn chết một người, dù kẻ đó được coi là nguy hiểm...
Nhiều quốc gia, không có án tử hình vì họ cho rằng, con người dù phạm tội ở mức độ nào đi chăng nữa, cũng không nên tước đoạt mạng sống của họ.
2. Có rất nhiều điểm để người ta nhận dạng một vùng quê có hơi thở cuộc sống, đó chính là màu khói bếp bay lên (dù bây giờ nó đã biến mất cùng với sự xuất hiện của bếp gas), tiếng gà gáy mỗi sớm... và có cả tiếng chó sủa. Một đồng nghiệp của tôi khi thực hiện loạt bài về nạn trộm chó xảy ra trên chính quê anh đã từng miêu tả cảm giác lạnh người khi đi qua “những miền trộm chó”.
Tiếng chó ở những miền quê ấy thường tự nhiên im bặt, còn con người thì tự nhiên trang bị cho mình một tâm lý e dè của sự cảnh giác cao độ. Bất cứ một người lạ nào đi qua ngôi làng, đều bị nhiều con mắt dõi theo dè chừng. Làng ấy vẫn có chó, nhưng dường như chó cũng biết sợ mà ít sủa hơn chăng?
Lý giải cho sự quá khích trong ứng xử với “cẩu tặc”, một số người dân nói rằng: “Bọn trộm chó đều nghiện ma túy, nhiễm HIV, nên đằng nào mà chúng chẳng chết”, dĩ nhiên, đây là một sự lý giải không thể chấp nhận được.
Chúng ta có thể lý giải rằng hành động của những người dân tấn công kẻ trộm chó không đơn thuần là hành động của những kẻ máu lạnh, mà là hành động căm phẫn mù quáng của những người thiếu hiểu biết, bị sự mất mát và tâm lý ức chế đè nặng.
3. Nhưng con chó sinh ra dù có được cưng nựng đến thế nào đi nữa, nó cũng không thể rũ bỏ được thân phận của một con chó.
Một con người, dù là kẻ nghiện ngập, hay phạm tội, đều là sản phẩm của nòi giống, là kết tinh tình cảm thiêng liêng của con người với con người, là sự mong chờ của cha mẹ, người thân. Con người ấy là sinh linh cao nhất của sự sống. Sinh linh ấy lớn lên, sinh linh ấy trở thành một con người được pháp luật thừa nhận và bảo hộ... Họ tự thân đã được giao phó cho một thân phận cao hơn con vật, và tất nhiên là cao hơn con... chó.
Nếu coi hành động của những kẻ trộm chó là tội ác, thì hành động tiêu diệt kẻ trộm chó của những người dân là một hành động dùng tội ác để triệt tiêu tội ác, mà thường với phương thức này, tội ác khó có thể bị triệt tiêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét